5 bài học quan trọng nhất về trí tuệ cảm xúc

5 bài học quan trọng nhất về trí tuệ cảm xúc
Photo by Jasper Garratt / Unsplash

Mỗi ngày trôi qua với vô vàn cảm xúc khác nhau. Nếu không hiểu về cảm xúc, chúng ta dễ rơi vào những mâu thuẫn, căng thẳng với những người xung quanh và với chính mình. Trong quá trình học, nghiên cứu, hướng dẫn về EQ, mình thấy có 5 bài học rất hay nhưng vô cùng cơ bản mà chúng ta nên biết để thực hành. Mình hy vọng 5 bài học về trí tuệ cảm xúc này có thể giúp bạn bình ổn, nhìn rõ được thông điệp của cảm xúc để có một cuộc sống hài hòa, nhẹ nhàng hơn.

1. Cảm xúc sơ cấp và thứ cấp

Cảm xúc sơ cấp là những phản ứng sinh lý trong cơ thể chúng ta. Đó có thể là cơn giận, là sự cô đơn, sợ hãi, niềm vui hay nỗi buồn. Tất cả những cảm xúc này đều quen thuộc với chúng ta và ai cũng trải nghiệm nhiều lần trong đời.

Những cảm xúc sơ cấp này không phải là vấn đề. Vấn đề ở cảm xúc thứ cấp. Khi chúng ta không có khả năng nhận diện cảm xúc sơ cấp, chấp nhận, những cảm xúc thứ cấp sẽ xuất hiện.

Một ví dụ để bạn dễ hiểu hơn. Sợ gián, sợ nói trước đám đông là cảm xúc sơ cấp mà nhiều người có. Những nỗi sợ này hết sức bình thường vì não bộ được lập trình để bảo vệ chúng ta trong những tình huống nguy hiểm. Tuy vậy, nếu không nhận diện được nỗi sợ này thì cảm xúc thứ cấp sẽ xuất hiện.

Không nhận diện được cảm xúc sơ cấp, cảm xúc thứ cấp sẽ xuất hiện

Chúng ta có thể giận chính mình vì đã sợ gián hay xấu hổ vì mình đã sợ nói trước đám đông. Sợ nói trước đám đông là một cảm xúc bình thường, nhưng sự xấu hổ khi phải nói trước đám đông lại là cảm xúc thứ cấp được tạo ra khi bạn thiếu khả năng nhận diện, chưa chấp nhận được nỗi sợ của bản thân. Để rồi những cảm xúc này chi phối hành động, khiến chúng ta vô cùng mệt mỏi.

Chúng ta cần nhận diện những cảm xúc sơ cấp khi chúng xuất hiện. Khi đang trong cuộc tranh cãi, leo thang cảm xúc, hãy tự hỏi điều khiến bạn hành động là cảm xúc sơ cấp hay cảm xúc thứ cấp.

Đây là một bài học hay nhưng cũng không dễ để thực hành. Cần thời gian, sự nhận diện thường xuyên thì chúng ta mới có thể thuần thục kỹ năng này. Khi đã nhận diện được nó rồi, bạn sẽ trở nên bình an hơn với thế giới bên ngoài, cũng như thế giới bên trong.

2. Cảm xúc là tín hiệu

Thông thường chúng ta hay làm gì khi cảm xúc xuất hiện?

Có thể chúng ta chạy trốn, đè nén hoặc bỏ lơ cảm xúc. Đặc biệt nếu đó là những cảm xúc khó khăn, thường bị đánh giá thấp như sự cô đơn, tức giận, lo lắng, sợ hãi, chúng ta dễ đè nó xuống và nói với mọi người rằng mình ổn. Chúng ta từ chối sự hiện diện của những cảm xúc này.

Tuy vậy, mỗi cảm xúc đều mang thông điệp của riêng nó. Khi bạn hiểu được thông điệp này rồi thì cảm xúc sẽ qua đi. Vì nó đã hoàn thành nhiệm vụ là gửi tín hiệu cho bạn biết để đưa ra hành động phù hợp.

Ví dụ về một cảm xúc phổ biến là sự cô đơn. Nó nhắc nhở bạn cần tương tác với những người yêu quý hoặc dành thời gian cho chính mình. Khi hiểu thông điệp của sự cô đơn và có những điều chỉnh phù hợp, cô đơn sẽ qua đi, chúng ta quay lại trạng thái hài hòa, thoải mái trước đó.

Hay một cảm xúc khác là giận giữ giúp ta hiểu được điều nào đó là quan trọng với mình hoặc giúp ta nhận ra mình đang có phần bất lực trong tình huống này. Hãy làm gì đó để điều chỉnh.

Chúng ta không được dạy, không quen với việc bày tỏ cảm xúc của bản thân

Tuy nhiên, vì yếu tố văn hóa, giáo dục, chúng ta không dám giận, không dám nói là mình cô đơn. Rất nhiều người trong chúng ta bị thiếu hụt trí tuệ cảm xúc, để rồi khi những cảm xúc không thuận lợi xuất hiện, chúng ta không thể ghi nhận những cảm xúc đó, kèm theo là không có hành động phù hợp, hậu quả là cảm xúc leo thang, mâu thuẫn xuất hiện.

3. Cảm xúc rồi sẽ qua

Bạn có để ý chữ “cơn giận” không. Giống như cơn gió, cơn mưa, tới rồi lại đi, không có cảm xúc nào ở lại mãi. Cảm xúc chỉ ở lại khi bạn làm lơ, tìm cách giải trí, đánh lạc hướng bản thân. Khi cảm xúc ấy không chạm được tới bạn, nó sẽ liên tục lặp lại để để nhắc nhở bạn về sự hiện diện của nó.

Đương nhiên sẽ có những lúc cảm xúc rất mạnh, giống như những cơn bão, cơn gió lớn, hãy tìm nơi trú ẩn trước. Chúng ta cần học thêm những kỹ năng để đối diện với cảm xúc khó khăn hoặc có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người bạn tin tưởng, người giỏi về cảm xúc để họ giúp chúng ta vượt qua được trạng thái đó.

Còn trong phần lớn thời gian của cuộc sống, cảm xúc tới rồi sẽ chóng đi qua. Chỉ cần bạn ngồi xuống, hít thở, dành thời gian quan sát, ghi nhận rồi cảm xúc sẽ đi qua. Không có ai buồn cả đời, cũng không ai mãi giận hay cô đơn. Đó chỉ là những trạng thái nhất thời. Cảm xúc sẽ chỉ không đi khi bạn không cho nó đi. Và khi đó, cảm xúc trở thành “mood” – tâm trạng kéo dài của bạn.

Để cảm xúc đi qua dễ dàng, nhẹ nhàng hơn, bài học tiếp theo sẽ giúp bạn làm điều đó.

4. Name it to tame it

Khi cảm xúc tới, chúng ta gọi tên nó, cường độ cảm xúc sẽ giảm xuống nhiều lần trên cơ thể. Thay vì nói chúng ta ổn, cảm xúc sẽ dâng trào khó chịu, thì chúng ta có thể thừa nhận mình đang buồn, mình đang giận, bối rối. Khi thừa nhận như vậy, cơ thể sẽ biết là chúng ta  đã nhận được thông điệp rồi. Cảm xúc sẽ lắng dịu dần. Đây cũng là kỹ thuật cơ bản và cần thiết nhất mà mình luôn nhắc với học viên trong các lớp học về Thực hành và phát triển EQ của mình.

Khi thực hành trí tuệ cảm xúc, bạn sẽ có nhiều kỹ thuật khác nhau để đối diện với cảm xúc. Nhưng trong phần lớn thời gian, chỉ cần gọi tên cảm xúc, nó sẽ dịu xuống. Khi ấy, bạn sẽ có đủ sự bình tĩnh để đưa ra phản hồi phù hợp, để không có những hành động, lời nói khiến bản thân phải hối tiếc.

Bài học cuối cùng liên quan đến những cảm xúc mà chúng ta thường gọi là tích cực. Mình gọi đó là những cảm xúc thuận lợi.

5. Cảm xúc thuận lợi cũng tiêu cực

Ngày còn nhỏ, mình không muốn ăn trộm, ăn cắp vì nghĩ đó là hành vi kỳ cục, vi phạm nguyên tắc đạo đức. Nhưng vào giây phút được bạn bè truyền cảm hứng, cổ vũ trèo vào nhà người khác hái trộm trái cây, mình trở nên hào hứng hơn, cơ thể rừng rực năng lượng. Mình đã theo chân những người bạn đi hái xoài, hái nhãn mà không được cho phép của chủ nhà.

Tương tự như khi quá vui, chúng ta dễ hứa hẹn, vẽ ra những viễn cảnh tươi đẹp cho người xung quanh. Khi đó, họ sẽ kỳ vọng chúng ta thực hiện lời hứa. Nhưng khi cảm xúc vui tươi qua rồi, chúng ta quên mình đã hứa hoặc lời hứa quá khó để thực hiện. Mâu thuẫn xảy ra khi chúng ta không giữ được lời hứa.

Những cảm xúc vui vẻ, sảng khoái, đôi khi lại không tích cực như bạn nghĩ

Vậy nên, những cảm xúc thuận lợi, vui tươi, thoải mái cũng có thể tạo ra vấn đề. Ở đoạn trên mình có nói tất cả cảm xúc đều mang thông điệp. Khi quá vui, chúng ta không nhận diện được thông điệp của cảm xúc. Tương tự khi quá buồn, chúng ta cũng khó thấy được thông điệp. Vì cảm xúc đó đã o lấy cơ thể và tâm trí. Để rồi chúng ta có những hành động cảm tính, thiếu lý trí.

Để hiểu và có cách phản hồi phù hợp khi cảm xúc đến, chúng ta cần nhận biết và thực hành các kỹ năng về EQ. Đó cũng là lý do các lớp EQ của mình luôn kéo dài đến hai tháng rưỡi để các bạn học viên có thể từng bước ứng dụng những gì đã học vào cuộc sống. Nếu bạn quan tâm có thể tham khảo khóa học Thực hành và phát triển trí tuệ cảm xúc sắp khai giảng của mình tại đây. Hẹn bạn trong những bài viết tiếp theo.