Sống chánh niệm - Ăn uống chậm rãi

Càng ngày con người ta càng vội, làm gì cũng vội vàng cả. Chạy xe thật nhanh, ăn uống thật nhanh, yêu thật nhanh và chia tay thật chớm nhoáng. Trước hết, hãy có một vài điều chỉnh, để có một bữa ăn với nhiều bình an.

Sống chánh niệm - Ăn uống chậm rãi

Chậm rãi là bước đầu của việc thực hành sống chánh niệm, lối sống giúp chúng ta hạnh phúc và bình an hơn. Ăn uống là một trong những hoạt động sống thông thường của chúng ta. Bạn hoàn toàn có thể khởi động lối sống chánh niệm thông qua việc ăn, mà trước tiên là ăn chậm. Dưới đây là 6 cách để bạn có thể bước chân vào con đường ăn uống chậm rãi.

1. ️TẮT NHẠC/ TẮT TIVI/ TIẾNG ỒN

Ai là người có thói quen mở tivi? mở nhạc khi đang ăn uống?

Là người lớn, và người sợ sự cô đơn. Họ cần một âm thanh nào đó, tiếng động nào đó để căn nhà bớt hiu quạnh. Dù rằng bữa ăn đó có đầy đủ thành viên trong gia đình, dù rằng họ biết con của họ mới đi xa về. Nhưng vì đã quen rồi, nên không có cái âm thanh phát ra từ cái tivi thì không có ăn uống được gì cả.

Bạn, dù còn trẻ hay không còn trẻ, nên học cách đối diện với chính mình, đừng để một ngày nào đó bạn trở thành một người lớn cô đơn đích thực.

Bạn nghĩ đi, nếu vừa ăn vừa nghe/xem tivi, thì bạn sẽ tốn nhiều năng lượng hơn đấy. Ngoài tay phải gắp thức ăn, miệng phải nhai, lúc này đây thì tai của bạn vẫn phải nghe âm thanh liên tục, chưa kể tới việc mắt bạn sẽ nhìn đắm chìm trong những hình ảnh của tivi. Các giác quan của bạn phải hoạt động liên tục…trong khi nó nên được nghỉ ngơi, để dành năng lượng cho việc ăn uống ủa bạn.

Tắt tivi khi đang ăn

Trong bữa ăn thì…chỉ nên ăn thôi. Ăn xong rồi xem cũng được. Nếu bạn là một người vẫn đang không chịu nỗi sự cô đơn khi ăn uống, có thể tập dần dần. Rồi bạn sẽ nhận ra là việc chỉ ngồi ăn cơm, nghe tiếng nhai, cảm nhận vị ngon của thức ăn nơi đầu lưỡi, nếm những ngon ngọt cuộc sống mà không bị tiếng ồn gây mất tập trung, thì bạn sẽ bắt đầu thích việc ăn uống trong thinh lặng hơn rất nhiều

2. BỎ SMARTPHONE QUA MỘT BÊN

Người lớn thì mở tivi, mở radio, mở đĩa dvd, nghe thời sự nắm bắt tin tức. Người trẻ thì lúc nào cũng bật wifi, 3g để không bị bỏ lỡ tin nhắn, notification, clip mới ra mắt của ca sĩ, diễn viên, nhóm hài hoặc thậm chí là của một tay giang hồ nào đó đang bắt đầu hoạt động online.

Có thể bạn đã quen rồi, nhưng hãy bỏ thói quen xấu này đi, nó đang hút dần năng lượng và sự tập trung của bạn mỗi ngày đấy. Bạn đang ăn thì tin nhắn tới… bạn mà không trả lời thì bạn sẽ bất an và mong muốn kiểm tra ai sẽ nhắn, rồi phải ăn nhanh lên, ăn cho xong để mà còn trả lời. Còn nếu bạn đang ăn mà trả lời tin nhắn, check notification thì bữa ăn của bạn đã bị ngắt quãng. Chưa kể là điện thoại là cái cực dì dơ bẩn, bao nhiêu vi khuẩn vi trùng được bạn bôi quét từ ngày này sang ngày khác. Chỉ cần vài cú search, các bạn sẽ biết là smartphone của bạn bẩn hơn toilet rất rất nhiều lần đấy.

Chúng ta thường có thói quen dùng điện thoại khi ăn

Nếu bạn không những thích dùng điện thoại để check cái này cái kia trong quá trình ăn uống, mà bạn còn thuộc dạo Insta, đạo FB, tức là ăn là phải chụp hình, thì bài viết này không dành cho bạn đâu. Bạn nghiện nặng quá rồi

3.  HẠN CHẾ NÓI CHUYỆN

Một số bạn có thể nhảy dựng lên khi thấy mình viết “hạn chế nói chuyện”, mình viết là hạn chế nói chuyện chứ không phải hoàn toàn không nói chuyện.

Thực ra khi chúng ta nói quá nhiều trong quá trình ăn, thì việc ăn của chúng ta sẽ bớt trọn vẹn đi nhiều rồi. Chưa kể những câu chuyện trong bữa ăn có thể là tiêu cực, nói xấu người khác, bàn chuyện thiên hạ hoặc thị phi tranh cãi đúng sai. Rồi nói qua nói lại thì đâu có nhai kĩ được, tiêu hóa cũng không tốt được. Mình thấy rằng việc nói chuyện trong quá trình ăn thì hại nhiều hơn là lợi.

Nếu có gì đó cần phải nói, thì hãy đợi tới cuối bữa ăn hoặc chờ tới lúc ăn tráng miệng, hoặc chờ tới lúc mọi người ăn xong hết rồi nói cũng chẳng muộn màng gì cả. Chúng ta đã nói từ sáng đến tối, thì dừng nói lúc ăn âu cũng là cách tốt để mang lại sự tĩnh lặng cho nhau, cho gia đình mà.

Hôm nào đấy, hãy thử ăn mà không nói. Coi thử không khí gia đình ra sao nha. Mà đúng hơn là để coi thử bạn chịu đựng được tới đâu khi chỉ…ăn và ăn.

Ăn uống chung thì vui, nhưng cũng làm mất trải nghiệm bữa ăn khi ta trò chuyện nhiều

4.  TẬP TRUNG NHAI CHẬM

Bạn càng nhai chậm bấy nhiêu thì thức ăn sẽ ngon bấy nhiêu. Bạn càng nhai chậm bao nhiêu thì sau này ít phải tốn tiền thuốc men cho các bệnh liên quan đến tiêu hóa bấy nhiêu. Càng nhai chậm thì bạn càng hiểu được sự khó nhọc mà người nấu ăn cho bạn, trân trọng thêm mẹ/vợ/chồng hoặc bất kì người nào nấu cho bạn.

Càng nhai chậm, rồi bạn sẽ càng thấy lâu nay bạn đang không thương bạn lắm. Nhai chậm thì tâm trí bạn cũng khỏe, mà cơ thể của bạn cũng khỏe, người nấu cho bạn cũng khỏe…vì thấy bạn ăn kĩ càng và ngon lành quá.

Một bữa ăn, bạn ăn khoảng tầm 30-45 phút là tốt rồi. Chứ cuộc sống hiện đại bây giờ, mỗi người mỗi tô mỗi chén, rồi mỗi người mỗi cái smartphone, ăn 10-15 phút là xong bữa ăn. Tưởng là ăn nhanh sẽ tiết kiệm được thời gian, ai ngờ đó chỉ là sự ảo tưởng và thiếu hiểu biết của chính mình.

5.  LỜI KHEN TẶNG DÀNH CHO NGƯỜI NẤU ĂN

Đa phần chúng ta, không có thói quen trân trọng, biết ơn người nấu ăn, đó là một sai lầm rất lớn.

Họ đã đi chợ, sơ chế đồ ăn, nấu nướng trong căn bếp. Dù có buồn hay vui, dù tâm trạng có thể không ổn, họ vẫn phải dằn lại, họ vẫn phải hi sinh bản thân bằng người khác mà thành quả là những bữa ăn ngon lành mà chúng ta được thụ hưởng sau cùng.

Một lời khen không là gì với bạn cả, nhưng nó là nguồn động lực rất lớn cho người đã nấu cho bạn ăn. Mà chúng ta thì thường…chê giỏi hơn là khen, quên hơn là nhớ và trân trọng tới công sức của người khác.

Hãy tập thói quen này, ăn xong nếu thấy ngon thì khen, nếu thấy khá ngon thì cũng khen, hoặc nếu không khen thì hãy giữ tâm trạng vui tươi khi ăn uống. Bạn đâu có phải lao động vất vả gì ngoài việc ngồi vào bàn ăn mà, đúng không?

6.  HÃY RỬA CHÉN BÁT NẾU BẠN KHÔNG PHẢI NGƯỜI NẤU ĂN

Thói quen này thì mấy anh con trai, mấy ông chồng PHẢI làm đi, chứ không phải làm nên làm nữa đâu.

Vợ/con gái/người yêu của mình đã dành rất nhiều thời gian, nỗ lực và sự tận tình khi nấu cho mình những ăn bữa ăn thật ngon. Vậy thì chuyện lau rửa chén, dọn dẹp sau đó mình nên tự làm. Đừng vì lí do này vì lí do nọ mà tiếp tục đổ công việc đó lên cho người phụ nữ của mình.

Việc rửa chén bát ngoài tác dụng chính là làm sạch, thì nó là cách tốt để bạn có thể kết nối được với người thân yêu của mình. Thể hiện sự quan tâm và yêu thương người thân của mình.

Các bạn đọc tới đây, đừng về bắt bố mình rửa chén nha, ổng chửi cho đó haha. Hãy thay đổi từ chính mình trước, rồi từ từ lan tỏa sự thay đổi đó đến những người trong gia đình mình. Thấy bố mình vừa xem tivi, vừa nói chuyện, vừa không rửa chén bát thì…mình tập cho bố mình không xem tivi nữa, nhai chậm lại hoặc nói lời khen người với người nấu. Cái gì dễ thì làm trước, đừng tự làm khó mình làm gì.

6 điều trên không nhiều cũng không ít, không khó cũng hơi dễ, bạn có thể thực hành bất kì điều nào cũng được, sau đó rồi tăng lên dần dần, đừng thay đổi cùng một lúc, thường thì những sự thay đổi đột ngột khó mà bền lâu được.

Ngoài việc ăn uống thì đời sống của chúng ta có rất nhiều hoạt động khác nhau để đưa chánh niệm vào. Như việc đi đứng trong chánh niệm, làm trong chánh niệm, hơi thở chánh niệm, giao tiếp chánh niệm… Khi đã ý thức được việc đưa chánh niệm vào các hoạt động trong đời sống, chúng ta có được lối sống chánh niệm. Nếu bạn còn băn khoăn chưa biết thực tập như thế nào, đừng ngại tham khảo khóa học Thực hành lối sống chánh niệm sắp tới tới của mình nhen.