Hiểu về Tư duy phát triển và tư duy cố định

Growth mindset và fixed mindset hay tư duy phát triển và tư duy cố định là 2 kiểu tư duy bạn cần biết

Hiểu về Tư duy phát triển và tư duy cố định

Có thể bạn đã từng nghe về growth mindsetfixed mindset hay tư duy phát triển và tư duy cố định. Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng phân loại phân tích rõ hơn về hai kiểu tư duy và cùng xem thử bản thân có xu hướng nào nhé.

Cả hai tư duy này đều dựa trên khái niệm mindset. Mindset là tập hợp những niềm tin, cách ta nhìn cuộc sống. Khái niệm tư duy phát triển và tư duy cố định mình được biết đến qua cuốn sách Tâm lý học thành công. Bạn có thể tìm đọc để hiểu rõ hơn về hai kiểu tư duy này.

Một cách tổng quan, tư duy cố định và tư duy phát triển tập trung vào hai khía cạnh chính là trí thông minh và tính cách. Với người có tư duy cố định, họ tin rằng tính cách và khả năng được quyết định từ khi sinh ra. Ta khó để thay đổi hay phát triển thêm kỹ năng mới.

Với tư duy phát triển, ngược lại, họ tin rằng những tính cách và khả năng chỉ ở khởi đầu tại thời điểm ta sinh ra. Những yếu tố này có thể thay đổi thông qua quá trình học tập, phát triển, tương tác với thế giới xung quanh. Nếu liên tục học hỏi, nỗ lực, họ sẽ tiến xa hơn với những gì đang có, đạt được thành quả mong muốn. Có thể bởi vậy mà những người có tư duy phát triển thường cũng là một lifelong learner, người học trọn đời.

Những niềm tin khác nhau này này ảnh hưởng rất lớn tới thái độ, cách chúng ta hành động trong cuộc sống hàng ngày. Hãy cùng mình tìm hiểu những biểu hiện của hai kiểu tư duy qua các khía cạnh khác nhau.

1. Thái độ với nỗ lực

Người có tư duy cố định tin vào tài năng có sẵn thay vì sự cố gắng. Nỗ lực đồng nghĩa với không đủ tốt. Và khi tin vào sự cố định của trí thông minh, tính cách, ta sẽ không cố gắng nỗ lực để đạt được điều mình muốn. Ngược lại, thay vì là dấu hiệu của sự yếu kém, người có tư duy phát triển tin nỗ lực là điều hiển nhiên phải có, chìa khóa để đạt được những thành quả trong cuộc sống.

Khi gặp khó khăn, người có tư duy cố định cũng dễ dàng từ bỏ hơn vì họ tin bản thân không đủ năng lực. Năng lực chỉ đến đó, có cố gắng cũng không thay đổi được nhiều. Nhưng khi mang tư duy phát triển, ta có thể đối diện, vượt qua khó khăn, tiến về phía trước. Khó khăn là cơ hội, thử thách để cải thiện khả năng và mở rộng vùng an toàn. Còn người có tư duy cố định sẽ ở trong vòng trong an toàn của mình.

2. Khi nhận phải sự chỉ trích

Ở khía cạnh khác, thái độ của hai kiểu tư duy khác nhau là khi nhận sự chỉ trích từ những người xung quanh. Sự chỉ trích là điều ta có thể phải đối diện khá thường xuyên trong cuộc sống. Đôi khi chỉ là sự góp ý, đôi khi là những chỉ trích nặng nề hơn. Với người có duy cố định, họ thường lo sợ, không dám đối diện những lời chỉ trích ấy. Vì khi đó họ cảm thấy bản thân không có giá trị, thấy mình không đủ tốt.

Vẫn là sự chỉ trích, nhưng qua lăng kính của tư duy phát triển lại là những tín hiệu, thông điệp để nhìn lại bản thân, từ đó có sự thay đổi phù hợp. Bạn thấy đó, niềm tin tạo ra những hành động rất khác nhau. Nếu có thái độ phù hợp, mình sẽ học hỏi được từ tình huống. Nếu không, mình không làm được gì ngoài việc chạy trốn và tạo thành thói quen xấu khi đối diện với khó khăn.

3. Nhìn vào những người thành công

Tương tự với lời chỉ trích, những người thành công cũng có thể là tấm gương để học hỏi, mở rộng góc nhìn mới. Tuy vậy, khi mang tư duy cố định, chúng ta có thể cảm thấy bị đe dọa. Giá trị của bản thân bị lung lay khi so sánh với người xung quanh, lấy chuẩn thành công của người khác thành của mình. Điều này dẫn đến sự tự ti, lo lắng, bất an và nhiều cảm xúc khó khăn khác.

Ngược lại, nếu là người mang tư duy duy phát triển, họ có thể thấy được truyền động lực, có thêm cảm hứng khi được gặp tấm gương đi trước đã thành công. Bằng sự nỗ lực, cố gắng và phương pháp đúng đắn, họ cũng có thể đạt được những điều đó.

4. Với tình yêu

Trong thế giới của tư duy cố định, tình yêu là định mệnh. Khi yêu nhau, chúng ta không cần thay đổi gì hết. Vì một người phù hợp thì sẽ hiểu mình, đáp ứng những nhu cầu của mình. Nếu có bất ổn, mâu thuẫn xảy ra thì đó không phải là tình yêu định mệnh. Chắc là người ấy không phù hợp với mình. Họ dễ từ bỏ hơn khi gặp những khó khăn trong mối quan hệ.

Ngược lại, người có tư duy phát triển tin những mâu thuẫn trong mối quan hệ là điều hiển nhiên. Không có người bạn đời nào là hoàn hảo. Khi có khó khăn, bất đồng xảy ra, việc ta cần làm là cùng nhau ngồi xuống để tìm cách giải quyết, thay đổi thay vì rơi vào trạng thái mệt mỏi, tuyệt vọng, muốn từ bỏ.

Còn rất nhiều khía cạnh khác nữa được đề cập trong cuốn sách. Bạn có thể tìm đọc để có thêm những góc nhìn, câu chuyện thực tế mà hai loại tư duy.

Với tất cả những đặc tính này, những người cố định sẽ tin rằng thế giới này là cố định. Khó để thay đổi bất kỳ điều gì. Định mệnh đã quyết định từ khi họ sinh ra. Việc của họ là hợp lý hóa mọi thứ đúng với định mệnh đó. Ngược lại với người có tư duy phát triển, họ tin vào ý chí tự do, quá trình học tập và phát triển. Họ tin bản thân là người tạo ra sự thay đổi, bằng những nỗ lực, cố gắng.

Khi đọc tới đây, bạn có nhận diện rõ hơn về xu hướng của bản thân chưa? Trước khi có thể thay đổi, bạn cần biết mình có xu hướng nào trước. Bản thân mình cũng không phải người có tư duy phát triển hoàn toàn. Ở một  số khía cạnh, mình có đặc điểm của tư duy cố định. Khi hiểu rõ hơn về hai loại tư duy, mình bắt đầu có kế hoạch để thay đổi.

Trong cùng chủ đề về tư duy, thì tư duy phản biện cũng là một hình thái tư duy giúp bạn mở rộng và đi sâu trong từng góc nhìn chứ không cố định và tin ngay vào những gì được nghe, thấy. Nếu bạn có hứng thú với tư duy phản biện thì có thể tham khảo lớp học của mình vào đầu tháng 3 này.

—–
Khi đọc sách, mình có đặt ra câu hỏi làm sao để phát triển được tư duy phát triển. Những phương pháp trong sách đưa ra không nhiều và còn khá chung. Chỉ đơn thuần nhận diện chưa thay đổi được nhiều. Khi nghiên cứu thêm, mình thấy có khá nhiều cách để phát triển tư duy phát triển. Nếu bạn quan tâm hơn về chủ đề này thì có thể cho mình biết nha.