Nếu bạn sợ thất bại, hãy thất bại nhanh

Nếu bạn sợ thất bại, hãy thất bại nhanh

Nếu bạn chưa từng sợ thất bại, thậm chí chưa từng thất bại thì bài viết này không dành cho bạn. Mình sẽ chia sẻ với bạn một kiểu thất bại đã giúp mình thành công, nghe kì kì ha nhưng có lí đó. Không phải kiểu truyền cảm hứng thất bại là mẹ thành công đâu.

Kiểu Thất bại mình chủ động và học cách sử dụng tên là thất bại nhanh fail – fast. Nhờ kiểu thất bại này mà năng lực resilience, khả năng vượt qua nghịch cảnh của mình đã tăng lên đáng kể. Mình dám thử nhiều thứ khác nhau, thay đổi được thái độ độc hại thông thường với thất bại. Mình cũng mong là bạn có thể được trải nghiệm với kiểu thất bại này. Vì kiểu gì chúng ta cũng sẽ thất bại mà đúng không?

Bạn có sợ thất bại không?

Chắc hẳn bạn đã từng một, nếu không nói là nhiều lần phải đối diện với thât bại ha? Lời tỏ tình bị từ chối. Không đủ điểm trong một kì thi. Làm ba mẹ thất vọng với kết quả học tập. Gửi CV hoài không được nhận, phỏng vấn thất bại, không tìm được việc phù hợp với bản thân. Không đạt được mục tiêu bản thân hướng tới.

Phần lớn những thất bại mà ta gặp phải đều không dễ để đối diện, chúng ta sẽ cần kha khá thời gian để có thể vực dậy và làm lại. Vậy nên dần dần chúng ta bắt đầu thấy lo lắng, sợ hãi, tránh né, áp lực trước những kết quả hoặc dự báo rằng mình sẽ thất bại. Vì chúng ta hiểu rõ điều mà chúng ta phải đối diện nếu thất bại. Sự phẫn nộ, cơn giận, áp lực từ người thân. Sự xấu hổ, chỉ trích mà mình dành cho chính mình. Rồi những suy nghĩ rằng mình thua kém, cảm thấy thiếu xót, mình không bằng với bạn bè cùng trang lứa.

Thất bại là điều là ai cũng sẽ gặp, là điều không thể tránh khỏi.

Mình không cần phải biết bạn là ai, bạn lớn lên  như thế nào, bạn giỏi giang hay may mắn ra sao để biết rằng, chắc chắn bạn sẽ gặp thất bại một hoặc nhiều lần trong đời. Nếu không biết cách đón nhận, đối diện với thất bại một cách lành mạnh, chúng ta có thể dần dần hình thành nỗi sợ thất bại để rồi sản sinh ra nhiều nỗi sợ khác.

Điển hình là nỗi sợ không dám bắt đầu.

Không dám bắt đầu vì có thể sâu bên trong bạn ngầm tin rằng thà không bắt đầu thì sẽ không thất bại, sự trì hoãn theo đó cũng được hình thành. Không dám bắt đầu một kênh youtube, podcast để chia sẻ dù bản thân rất mong muốn và nghĩ rằng mình cũng có năng lực. Không dám tỏ tình với người mình thích. Không dám đứng ra nhận trách nhiệm cho dự án mà bạn có hứng thú. Sự trì hoãn lúc này chỉ là vỏ bọc của nỗi sợ không dám bắt đầu.

Với thất bại theo kiểu thông thường thì xấu hổ, thất vọng, sợ hãi, chán nản là những cảm xúc mà ta sẽ phải đối diện, sẽ phải đối diện thôi nha, chưa chắc là có thể đối diện được đâu. Chưa kể là những suy nghĩ có phần chỉ trích, tiêu cực như mình lúc nào cũng thất bại, mình không đủ giỏi, mình thật tệ có thể đánh gục bạn. Thật khó có thể lấy lại thăng bằng trong cuộc sống khi phải đối diện với nhiều suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực, khó khăn như vậy.

Đây là lúc mà bạn có thể thử ngay với Thất bại nhanh, Fail fast.

Thế nào là thất bại nhanh?

Đúng như tên gọi của nó. Thất bại nhanh  là thất bại tới rất nhanh nhưng  tác động không quá lớn tới cuộc sống của bạn. Thay vì bị thất bại một cách bất ngờ, thụ động thì đây là lúc chúng ta chủ động hành động, thử nghiệm và coi thất bại là một sự phản hồi để có điều chỉnh phù hợp.

Thất bại nhanh thường được ứng dung trong lean starup, khởi nghiệp tinh gọn.

Thay vì chờ cho sản phẩm hoàn hảo mới tung ra thị trường thì những sản phẩm sơ khởi, ý tưởng ban đầu sẽ được thử nghiệm, điều chỉnh liên tục với khách hàng mục tiêu, rồi dùng phản hồi của người dùng để tạo ra sự cải tiến và phù hợp.

Lấy chuyện sáng tạo nội dung làm ví dụ đi. Chúng ta thường có xu hướng chờ tới lúc có đầy đủ thiết bị, đầy đủ tư duy, trải nghiệm rồi mới làm. Điều này có thể khiến việc làm nội dung bị trì hoãn rất lâu, vì trong quá trình đó sẽ có một khía cạnh nào đó khiến bạn cảm thấy chưa đủ và không dám bắt đầu. Thay vào đó, bạn cần ưu tiên sản xuất ngay được một nội dung để xem bản thân có hứng thú không, rồi người khác có thích, có thấy nội dung chúng ta làm phù hợp với họ không. Thay vì ôm giấc mơ nhiều năm để làm sáng tạo nội dung, bạn có thể dành ra vài tuần để thử nghiệm. Lúc này bạn chỉ cần một chiếc điện thoại để bắt đầu, điều mà phần đông mọi người đã sở hữu. Năm năm về trước quay bằng điện thoại còn phải bỏ vào máy tính để edit, nhưng bây giờ những ứng dụng chỉnh sửa video trên điện thoại đã phổ biến, và còn miễn phí nữa.

Thất bại thông thường có tác động lớn, kèm theo những cảm xúc rất khó khăn. Thất bại nhanh thì khác, nó là những thất bại nhỏ, đi kèm lúc này đương nhiên vẫn còn nhiều sự khó khăn nhưng thêm cả sự tò mò, hào hứng, không biết thử nghiệm của bản thân sẽ đi tới đâu. Không biết phản hồi sắp tới sẽ như thế nào.

Thất bại nhanh thúc đẩy quá trình học tập. Giúp bạn tìm ra được những thông tin mới hoặc mảnh ghép còn thiếu của bức tranh toàn cảnh. Chưa kể yếu tố cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực cũng giảm hẳn vì lúc này bạn có sự chủ động, thấy bản thân có sự kiểm soát với những thử nghiệm của mình, điều khó có thể có được với kiểu thất bại thông thường.

Tại sao chúng ta cần thực tập thất bại nhanh?

Mình đồng ý một phần thất bại là mẹ thành công, thất bại cho chúng ta những bài học rất giá trị. Nhưng người mẹ này cũng làm chúng ta đau đớn, chán nản, thậm chí là tuyệt vọng. Đây là lúc chúng ta chọn cách thất bại khác để vẫn thành công mà không quá mệt mỏi.

Kết quả từ thất bại nhanh cho chúng ta những phản hồi nhanh chóng để có thể điều chỉnh, đây là điều quan trọng của thất bại nhanh.

Với thất bại nhanh, chúng ta ít phải trải qua sự hồi hộp, căng thẳng và thất vọng lớn. Mỗi lần thử nghiệm không đem lại kết quả, ta không phải trả qua những cảm xúc khó khăn như thất bại thông thường. Vẫn có chút thất vọng, nhưng quan trọng là bạn sẽ hiểu thêm về sản phẩm, nhìn thấy được những yếu tố không phù hợp và có những sự cải tiến dựa trên phản hồi.

Với thất bại nhanh thì team mình cũng trở nên vững vàng hơn. Một sản phẩm thất bại là một cơ hội học hỏi. Mình xây dựng văn hóa thất bại nhanh để cả team cùng cảm thấy thoải mái, can đảm hơn trong việc thử nghiệm và sẵn lòng làm lại khi kết quả không được như mong đợi.

Ứng dụng trong cuộc sống

Tới đây thì bạn đã nắm được ý tưởng cốt lõi rồi hen. Giờ là lúc có thể sử dụng ngay thất bại nhanh vào nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống. Mình nhớ tới một câu chuyện, một sự thành công lớn nhờ thất bại nhanh của em mình cách đây hơn 5 năm.

Theo công thức chọn nghề thì lí tưởng là bạn cần phải chọn nghề mà bạn vừa thích, vừa giỏi, xã hội có nhu cầu. Không dễ gì để có thể có đủ thông tin ở cả 3 khía cạnh trên. 18 tuổi, nếu trước giờ chỉ tập trung học hành thì việc hiểu về điểm mạnh của bản thân là không dễ. Nhiều học trò của mình sau khi tốt nghiệp đại học vẫn chưa trả lời được rằng bản thân thích gì. Rồi thêm cả nhu cầu của xã hội thì có phần quá sức cho học sinh để có một lựa chọn tối ưu.

Lúc này thay vì chọn nghề đúng thì bạn chỉ cần chọn không sai là được. Không sai tức là công việc bạn làm trong lai nên tạo ra cho bạn sự yêu thích, hứng thú hoặc bạn cảm thấy nhiều năng lượng, thoái mái khi làm công việc đó. Lúc này bạn đã có thể kích hoạt được yếu tố điểm mạnh hoặc sở thích rồi.

Thất bại nhanh trong tình huống này là bạn sẽ tìm mọi cách để được trải nghiệm nghề nghiệp mà bạn đang cân nhắc, thay vì chờ 2-4 năm học tập rồi mới được trực tiếp trải nghiệm nghề nghiệp. Trải nghiệm này có thể gián tiếp hoặc trực tiếp. Gián tiếp là tìm gặp, phỏng vấn những người đang làm nghề mà bạn muốn chọn. Tham gia các buổi hội thảo, tư vấn huớng nghiệp để hiểu rõ hơn về nghề. Còn trực tiếp là trải nghiệm công việc đó luôn, đương nhiên là ở phiên bản đơn giản.

Em mình từng nói với mình nó muốn làm đầu bếp, pha chế. Mình hướng dẫn để nó trực tiếp trải nghiệm công việc này luôn.

Trước đó, để kiểm tra xem nó hợp với nghề pha chế tới đâu thì mình giới thiệu nó làm việc ở một quán cafe, nó cũng đi học thêm một khóa học pha chế trong ngắn hạn. 6 tháng trải nghiệm trong ngành cho nó câu trả lời rõ ràng và hướng đi trong tương lai.

Bây giờ thì 24 tuổi, nó đã có 6 năm đi nhảy, đi dạy với những thành tựu nhất định. Có thu nhập, có sự tự chủ khi vừa có thể làm biên đạo, đi nhảy và hướng dẫn nhảy ở các workshop lớn nhỏ. Nó chọn trải nghiệm thay vì chọn học 4 năm ở đại học. Mình không nói là không nên học đại học, chỉ là lựa chọn đó của nó đã phù hợp vì nó có sẵn thế mạnh, có sở thích rồi, và tìm được môi trường phù hợp nữa nên nó được thăng hoa sớm.

Bạn thấy đó, ai cũng sẽ phải thất bại. Nhưng không phải ai cũng có thể đứng dậy hoặc giữ được sự tự tin khi đối diện với khó khăn.

Thất bại nhanh là một cách tiếp cận rất mới mẻ và thú vị. Càng thực hành thì bạn càng nâng cao được năng lực resilience, khả năng đối diện và vượt qua những nghịch cảnh, khó khăn. Lần tới, khi muốn làm gì đó mà thấy bản thân thường xuyên trì hoãn, muốn thử một điều gì mới nhưng sợ thất bại thì bạn hãy nghĩ ngay tới thất bại nhanh và thử nghiệm kiểu thất bại này thử nhen.