Áp dụng thiền để phát triển bản thân

Áp dụng thiền để phát triển bản thân

Bài viết này mình chia sẻ cùng bạn 3 nguyên tắc mình vẫn hay dùng trong các thời thiền, buổi thiền. Nó không chỉ giúp mình trong thiền để có thể ngồi im, không bỏ cuộc, có bỏ cuộc cũng có thể nhanh chóng quay trở lại, mà còn có thể áp dụng rất hay vào cuộc sống. Bạn không cần thiền cũng có thể thấy được giá trị của những kĩ thuật hay nguyên tắc này.

Nguyên tắc 1: Bắt đầu lại

Có một điểm chung trong lần ngồi thiền của mình sáng nay với lần ngồi thiền đầu tiên vào 14 năm trước, đó là suy nghĩ muốn bỏ cuộc hoặc dừng buổi thiền.

Nếu không có quá trình học, nghiên cứu, khi những suy nghĩ từ bỏ liên tục xuất hiện thì khả năng mình cũng sẽ kết luận rằng thiền không phù hợp với mình. Nhưng bạn biết không, với việc thực hành thiền thì những suy nghĩ như: muốn bỏ cuộc, cơ thể ngứa ngáy, lưng nhứt mỏi,… chúng tổng lực nói với ta rằng nên từ bỏ, thiền không có ích lợi gì đâu… là hết sức bình thường. Và nó càng bình thường hơn dưới lắng kính của kĩ thuật bắt đầu lại, begin again.

Khi đang ngồi thiền mà tâm trí lang thang từ chỗ này tới chỗ khác. Mình sẽ đơn giản nhắc bản thân là bắt đầu lại, bắt đầu lại.

Khi cảm thấy những xáo động trong tâm trí, mình tiếp tục nhắc bản thân: Bắt đầu trở lại với hơi thở, bắt đầu trở lại với lời nguyện, bắt đầu lại với phần cơ thể mà mình đang quan sát. Rồi có những lần bỏ thiền, vài ba hôm hoặc vài ba tuần, mình cũng chỉ cần nhớ tới câu thần chú bắt đầu lại để tiếp tục hành trình của bản thân. Thay vì trách móc bản thân đã không kỷ luật, thay vì nghĩ rằng bắt đầu lại từ đầu thì công cốc, mình chỉ đơn giản là bắt đầu lại.

Kĩ thuật này cũng được mình áp dụng cho rất nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống.

Chẳng hạn như làm sáng tạo nội dung. Có những ngày viết xong, quay xong video thì khí thế ngút trời, kì vọng video sẽ được nhiều người xem, giúp được người này người kia, mà thực tế thì hoàn toàn khác với kì vọng. Những lúc ấy mình hít một hơi thật sâu và nhắc nhở bản thân, nhắc nhở team của mình: bắt đầu lại, bắt đầu lại.

Chỉ cần nhắc nhở bản thân thông điệp này, mình nhanh chóng buông bỏ những kì vọng, những áp lực tự mình tạo ra. Mình có thể quay trở lại, tiếp tục đào sâu, làm rõ và hiểu thêm bản thân ở nhiều góc cạnh khác nhau. Bất kì thất bại nào cũng có thể tạo ra cảm xúc khó khăn, những suy nghĩ gặm nhấm dần sự tự tin. Câu thần chú “bắt đầu lại”, “bắt đầu lại” giúp mình sớm thoát khỏi những khó khăn này và quay trở lại với điều mình đang theo đuổi.

Không phải ngẫu nhiên mà mình vẫn có thể miệt mài review sách trong 6 năm qua, dù rằng kiểu nội dung này khó có thể mang lại cho mình sự nổi tiếng hoặc tài chính. Hoặc tại thời điểm này mình vẫn có kế hoạch để theo dõi, thêm mới những thói quen hữu ích vào cuộc sống. Các bạn đã có thể sử dụng ngay câu thần chú này vào cuộc sống của các bạn rồi đấy.

Để bắt đầu thật không dễ, bắt đầu lại còn có phần khó hơn vì những gì chúng ta đã đầu tư, kì vọng, vì mong muốn của bản thân trước đó. Nhờ có kĩ thuật này mà mình vực dậy rất nhanh sau thất bại, có thêm sức bật khi đối diện với khó khăn.

Câu thần chú, kĩ thuật bắt đầu lại đã theo chân mình đủ lâu để trở thành một phần con người của mình, con người sẵn lòng bắt đầu lại, làm lại.

Nguyên tắc 2: Ghi nhận – Mental Noting

Kĩ thuật này đã giúp mình ngủ ngon hơn, nhận diện suy nghĩ tốt hơn rất nhiều.

Rất nhiều suy nghĩ, cảm xúc xuất hiện khi bạn ngồi xuống, nhắm mắt và bắt đầu phiên thiền. Vấn đề là phần lớn những suy nghĩ đó là sự nghi ngờ, chỉ trích, phân tích quá đà, lang thang. Hồi 2017, mình đã chấn động khi nhận ra rằng nhắm mắt lại thì sẽ thấy… màu đen. Bạn bè trong thiền viện cũng vô cùng ngạc nhiên vì chia sẻ có phần… hiển nhiên này của mình. Nhắm mắt lại, ngồi trong thiền đường tối om thì đương nhiên là thấy màu đen rồi.

Mình đâu có thấy màu đen. Vì lần nào nhắm mắt lại, tâm trí mình cũng nhảy nhót khắp nơi. Có hôm vừa nhắm mắt đã nghĩ tới kế hoạch cho kì nghỉ, tối nay xem phim gì, ngày mai mua sách gì. Có lúc thì đắm chìm trong những câu chuyện của quá khứ, của những chuyến đi chơi. Mắt mình nhắm nhưng tâm trí mình hoạt động hết công suất nên chẳng thể để ý được là nhắm mắt sẽ thấy màu đen.

Khi bắt đầu biết sử dụng mental noting – ghi nhận, mình chỉ đơn giản là ghi nhận mọi suy nghĩ, cảm xúc, cảm giác xuất hiện trong phiên thiền. Thấy mình đang nghĩ về tương lai thì ghi nhận là “tương lai”, thấy mình đang suy diễn thì ghi nhận là “suy nghĩ, suy nghĩ”, thấy ngứa thì ghi nhận là “ngứa, ngứa”, “đau, đau”. Chỉ đơn giản là ghi nhận vậy thôi. Không đặt câu hỏi thêm cho suy nghĩ. Không tìm cách để thay đổi tư thế khi ngứa ngáy. Đơn giản là ghi nhận, suy nghĩ sẽ tự động dần tan biến, mình không làm gì để tiếp thêm năng lượng cho những suy nghĩ, cảm xúc đó nữa.

Ứng dụng mental noting vào những đêm mất ngủ là một sự thay đổi lớn của mình.

Ngày xưa thì mất ngủ mình sẽ mở điện thoại ra xem, lướt lướt cho mỏi mắt rồi đi ngủ. Giờ hết dùng smartphone thì tâm trí dẫn dắt mình để tìm kiếm nguyên nhân, có được nguyên nhân rồi thì cũng trằn trọc không thay đổi được mấy. Khi bắt đầu dùng mental noting, nhận thấy bản thân suy nghĩ thì mình ghi nhận là “suy nghĩ, suy nghĩ”. Cứ lặp lại vậy thì tầm 5-10 phút đã có thể vào giấc ngủ.

Những khi còn thức thì cũng có lúc lo âu, nghĩ nhiều overthinking. Mà vấn đề của suy nghĩ nhiều, overthinking là khi càng tìm cách chặn suy nghĩ hoặc phân tích tại sao lại có những suy nghĩ đó thì vòng lặp nghĩ nhiều khó mà dừng lại. Lúc này, mình tách bản thân ra khỏi đống suy nghĩ và chỉ đơn giản nhận diện bằng cách ghi nhận là “suy nghĩ, suy nghĩ, suy nghĩ, suy nghĩ”. Vậy là thấy bản thân có thể bình tĩnh trở lại, bước ra khỏi được vòng xoáy.

Name it to tame it. Gọi tên được thì mức độ ảnh hưởng cũng có sự thay đổi. Đây là kỹ thuật mà dù không thực hành thiền bạn vẫn có thể sử dụng để vượt qua những lúc suy nghĩ quá nhiều, cảm xúc quá mạnh, mọi thứ đang trên bờ của sự quá đà.

Nguyên tắc 3: Ngồi im

Nếu phải chọn ra một siêu năng lực dành cho giai đoạn này của thế giới thì mình sẽ chọn năng lực ngồi im. Không hề dễ như bạn vẫn nghĩ đâu. Ngồi yên lặng trong 1 khoảng thời gian dài, là một thử thách rất lớn.

“All of humanity’s problems stem from man’s inability to sit quietly in a room alone”

Mọi vấn đề của nhân loại đều đến từ việc con người thiếu năng lực ngồi im lặng một mình. Mình rất ấn tượng với thông điệp này của nhà toán học, triết gia Pascal.

Nếu có một chút tìm hiểu về cảm xúc, về tâm trí, về xu hướng hành vi con người bạn sẽ thấy năng lực ngồi im một chỗ, không hành động gì cả bất chấp những cảm xúc ào ạt đang xuất hiện, những giọng nói liên hồi đang thúc giục trong đầu là một năng lực xa xỉ, nhưng lại là món quà vô giá cho cả người nhận quà lẫn người tặng quà. Tức là nếu chúng ta có thể ngồi im được trong những tình huống khó khăn, có thể không nói khi rất muốn nói, có thể điều chỉnh thay vì tin tưởng tuyệt đối vào cảm xúc, suy nghĩ thì chúng ta có thể đối diện, vượt qua được phần nhiều những vấn đề trong cuộc sống. Chưa kể tới những vấn đề đến từ việc chúng ta không có năng lực ngồi im lặng, như câu nói của Pascal ở bên trên.

Những ngày ngồi thiền dài đằng đẵng, những giây phút quan sát, ghi nhận rồi buông bỏ suy nghĩ giúp mình bắt đầu có sự vững vàng, thấy được xu hướng muốn hành động, muốn nói, muốn giải quyết vấn đề của bản thân để rồi có những thời điểm đã có thể buông bỏ, chỉ ngồi im mà không cố tìm cách thay đổi người khác. Ngồi im để quan sát cảm xúc, suy nghĩ của bản thân. Rồi lại ngồi im để cho những chuyển động này lắng xuống.

Khi ngồi im, vấn đề tự thân nó có thể trở nên nhỏ hơn vì trong nhiều tình huống, vấn đề không lớn nhưng cách bản thân nhìn nhận, cảm thấy, làm chúng ta thấy vấn đề trở nên khổng lồ, không có lối ra.

Thử ngồi xuống, không cố gắng giải quyết. Bạn có thể sẽ được trải nghiệm một cách giải quyết vấn đề rất thú vị. Những góc nhìn mới sẽ xuất hiện, những cảm giác mới về vấn đề bạn đang đối mặt cũng có thể khác đi. Chủ động ngồi xuống để có thể thụ động giải quyết vấn đề, mình nghĩ cũng là một cách tiếp cận thú vị để thử nghiệm đúng không?

Những đúc kết này của mình đến từ rất nhiều lần đứng lên ngồi xuống, bỏ cuộc, bắt đầu lại, ghi nhận, ghi nhận, ghi nhận. Để rồi mình có thể sử dụng những những nguyên tắc trong thiền này cho cuộc sống đời thường.

Thiền định tưởng chừng là việc xa xôi nhưng bạn hoàn toàn có thể đưa thiền vào cuộc sống với những thực tập nho nhỏ, và xa hơn là áp dụng như mình vừa chia sẻ. Bạn có thể tham khảo khóa học Thiền cho người mới bắt đầu của mình để từng bước nhỏ nhất đến với thiền nhen.